Bạn cảm thấy thế nào khi hoàn thành xong chương trình 4 năm đại học và bắt đầu đi thực tập? Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy lo lắng và mông lung không biết có thể hoàn thành tốt kỳ thực tập này hay không và mình cần làm gì để kỳ thực tập diễn ra suôn sẻ. Đối với các bạn sinh viên thực tập sư phạm – những thầy giáo, cô giáo tương lai sẽ được thực tập tại các trường công lập, tư thục và quốc tế trên phạm vi toàn quốc. Vậy làm thế nào để có được ấn tượng tốt với thầy cô hướng dẫn và các em học sinh tại trường? Bài viết dưới đây sẽ gửi đến bạn một vài tips có thể sẽ bổ ích để bạn áp dụng.
>> Xem thêm: Gia sư Sư Phạm Hà Nội
Thực tập sư phạm là gì? Giáo viên thực tập sư phạm là những ai?
– Thực tập sư phạm là khâu cuối cùng để các bạn sinh viên sư phạm kết thúc quãng thời gian sinh viên, là thời điểm chuyển giao để trở thành một nhà giáo thực thụ. Thực tập sư phạm bao gồm nhiều đợt khác nhau, do phân công của trường ĐH và sự hợp tác của ngôi trường nhận sinh viên thực tập sư phạm.
– Giáo viên thực tập sư phạm là sinh viên chính thức của các trường, các khoa sư phạm đã kết thúc chương trình học của mình, đăng ký tín chỉ đủ điều kiện thực tập tại các trường trên địa bàn toàn quốc.
– Lời giới thiệu bản thân của giáo viên thực tập sư phạm là một điều đơn giản nhưng nó có thể giúp giáo viên tạo một ấn tượng tốt và khởi đầu tích cực trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại trường thực tập.
– Kỳ thực tập thường sẽ kéo dài hơn 2 tháng, trong 2 tháng này, giáo sinh sẽ cần thể hiện hết những khả năng mình có, những gì mình đã học tại trường nếu muốn đạt kết quả cao.
Lời giới thiệu với giáo viên chủ nhiệm:
– Nếu bạn là sinh viên đang nằm trong diện được nhà trường phân công thực tập, bạn sẽ được biết thầy cô hướng dẫn và giáo viên chủ nhiệm lớp học bạn sẽ thực tập. Trên hết bạn nên tìm thông tin liên lạc với giáo viên chủ nhiệm lớp trước sau đó hãy xin thông tin của cô hướng dẫn bạn. Bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân như:
Ví dụ: Em chào cô em là N.T.V.A – là sinh viên thực tập trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, em được phân công thực tập lớp của cô chủ nhiệm là lớp 11B11, em muốn gặp cô để xin phương thức liên lạc và trao đổi về khoảng thời gian thực tập tiếp theo. Mong cô giúp đỡ.
Hoặc bạn nên giới thiệu đôi chút về khoa, ngành mà mình học:
– Em chào cô em là sinh viên khoa Sư Phạm Tiếng Anh trường ĐH Ngoại Ngữ – ĐH Quốc Gia Hà Nội, em là sinh viên năm cuối và được phân công sẽ thực tập tại trường mình trong 10 tuần ạ.
– Các thầy cô chủ nhiệm thường rất dễ gần và đều rất sẵn lòng giúp đỡ nếu các bạn có thái độ lễ phép và tôn trọng, lời giới thiệu chỉ cần đơn giản không cần quá cầu kỳ, nếu được bạn có thể mua một bó hoa tươi làm món quà nhỏ lần đầu gặp mặt để tạo thiện cảm hơn với cô giáo.
Lời giới thiệu với giáo viên hướng dẫn:
– Giáo viên hướng dẫn là người sẽ hướng dẫn thực tập chuyên môn của bạn – môn học và ngành học bạn đã học ở trường ĐH, ví dụ bạn học khoa Lịch Sử, cô hướng dẫn của bạn sẽ là cô giáo Lịch Sử, chịu trách nhiệm hướng dẫn bạn cách giảng dạy cũng như truyền đạt kinh nghiệm thực tập để bạn chuẩn bị trở thành một giáo viên. Chính vì thế người giáo viên hướng dẫn có vai trò quan trọng, có tác động và ảnh hưởng lâu dài đế phong cách giảng dạy của các nhà giáo tương lai, được xem như “người đỡ đầu”.
– Giáo sinh thực tập có thể giới thiệu về ngành học, năm học và lớp thực tập để thầy cô xác định lớp các bạn thực tập trước: “Em chào cô/thầy, em là giáo sinh thực tập môn Tiếng Anh lớp 11B11, được phân công vào lớp của cô, em rất mong nhận được sự giúp đỡ của cô trong 2 tháng thực tập tiếp theo ạ”.
– Thêm vào đó bạn có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm giảng dạy của mình như kinh nghiệm gia sư, trợ giảng và cách tiếp cận môn học mình dạy, điều mong muốn trong tương lai, hình mẫu nhà giáo lý tưởng mà bạn theo đuổi. Hãy cứ cởi mở và chân thật nói ra ưu điểm, nhược điểm và mong muốn đạt được:
“Dạ em thưa cô thực ra em chưa có kinh nghiệm dạy học nhiều, em cảm thấy mình còn nhiều kiến thức hổng chưa thể bù đắp hết. Em mong rằng sau kỳ thực tập được cô chỉ dạy, em sẽ có thể cải thiện điểm yếu của mình và tự tin hơn khi trở thành một nhà giáo”.
Lời giới thiệu với học sinh tại lớp thực tập:
– Giáo sinh cũng có thể lồng ghép việc giới thiệu và giao lưu bằng các trò chơi như “get to know each other” để việc giới thiệu không trở nên quá rập khuôn và cứng nhắc.
– Học sinh là người đồng hành với các bạn trong suốt quãng thời gian thực hành sư phạm, bạn dạy thì cần có học sinh hợp tác. Ấn tượng đầu, bạn hãy cứ thoải mái và thân thiện giới thiệu về bản thân: “Chào cả lớp, cô tên là N.T.N.N, là sinh viên năm 4 khoa Toán Tin, cô rất vui khi được làm quen với lớp mình và được phân công thực tập tại lớp trong thời gian sắp tới. Cô mong rằng chúng ta sẽ có khoảng thời gian học tập vui vẻ và thật sự bổ ích cùng với nhau”.
Lời kết: Lời giới thiệu bản thân dành cho sinh viên thực tập sư phạm hết sức quan trọng nhưng cũng không hề phức tạp, hãy tự tin và giới thiệu một cách rõ ràng nhất. Khi kỳ thực tập tiếp theo đến gần, mong các bạn có đủ kiến thức và niềm tin vào bản thân, chúc các bạn có một kỳ thực tập thành công!
>> Xem thêm: Trung tâm gia sư uy tín ở Hà Nội